TT - Đúng như tên gọi Ngàn năm áo mũ, công trình nghiên cứu là cuốn sách dày gần 400 trang mô tả sinh động về trang phục của người Việt trong gần 1.000 năm từ triều Lý đến triều Nguyễn (1009-1945).
Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam, mô tả chi tiết, tỉ mỉ nhiều dạng trang phục như bộ Tế phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v.. Trong khi đó trang phục dân gian không biến động nhiều, phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử. Sự kiện vua Minh Mạng cấm “quần không đáy” là một biến cố lớn lao, để rồi chiếc áo dài năm thân đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.
Có thể nói, Ngàn năm áo mũ bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với những ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, đây thực sự là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài.
Nhưng người đã đi suốt ngàn năm của trang phục Việt lại là một chàng trai 8X.
“Sự cứu rỗi may mắn”
Đó là lời khen tặng mà nhà nghiên cứu Trịnh Bách dành cho công trình nghiên cứu rất công phu của Trần Quang Đức - tác giả của Ngàn năm áo mũ, khi mà những trang sách viết về trang phục VN còn thiếu thốn và đầy những khoảng trống mênh mông.
Xông pha vào “trận địa” ấy, một người trẻ như Đức mang theo một suy nghĩ giản đơn và một tinh thần khoa học: để xóa một chút mây mù trong hiểu biết của người dân về nếp ăn nếp mặc của tiền nhân.
Sinh năm 1985 và chỉ mới tốt nghiệp năm 2010, đến nay gia tài của chàng trai Trần Quang Đức rất đáng nể khi đứng tên dịch giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng từ Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) cho đến Trường An loạn (2012).
Nhưng với Đức, những cuốn sách dịch chỉ là để “lấy ngắn nuôi dài”, đi một chặng đường xa với Ngàn năm áo mũ. Khởi sự từ năm 2010, khi chỉ vừa tốt nghiệp ra trường, mất ba năm ròng rã mày mò trong khối tư liệu khổng lồ và lăn lộn điền dã ở nhiều nơi, Đức mới hoàn thành cuốn sách.
Sau khi tốt nghiệp ngành Hán Nôm ĐH Bắc Kinh, Đức về nước. Lúc ấy đang nổ ra những tranh cãi “về ta, về Tàu”. Nhiều bạn trẻ bảo trang phục này sao giống Trung Quốc quá và trang phục của người Việt không có bản sắc.
Đỉnh điểm là những tranh cãi xung quanh trang phục của các nhân vật trong bộ phim Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long. Nào là VN thì nhất định phải búi tó, khăn xếp - trang phục nghìn đời của người Việt như trong câu thơ nọ: “Tục truyền thượng cổ dân ta/Đàn ông búi tó đàn bà vấn khăn”.
Thế nhưng chẳng ai có minh chứng về trang phục của từng triều đại, lại lồng ghép yếu tố chính trị vào đến nỗi trở thành cực đoan khiến các cuộc tranh cãi không có hồi kết.
Chính Đức cũng quay cuồng trong những cái mù mờ ấy. Anh quyết định đi làm rõ một phần về cách ăn mặc của tiền nhân. Lúc ấy Đức mới 25 tuổi, bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, “đi cái kiểu kham khổ” nhưng vẫn cứ muốn làm. Việc dịch sách cũng đem lại cho anh những khoản kha khá để trang trải.
Rồi Đức nghĩ: dựa vào bao nhiêu tài liệu để củng cố cho giả thuyết đưa ra? Tìm được bao nhiêu sử liệu cùng nói về một vấn đề? Sử liệu đến đâu nói đến đó chứ không bao giờ suy diễn. Vậy nên có độc giả hỏi anh rằng sao không viết trang phục Đông Sơn, nền văn minh rực rỡ của VN khi mà đã có rất nhiều hình ảnh trên trống đồng.
Nhưng đối với anh, một người làm nghiên cứu hiện đại thì chỉ những hình vẽ ấy chưa đủ mà phải có sử liệu ghi chép liên quan mới khẳng định được. Cái nhà nghiên cứu nắm phải là nhiều sử liệu cùng ghi chép về vấn đề ấy và đối chiếu với hiện vật.
Trong suốt quá trình nghiên cứu anh đã phải bỏ công tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn, đọc tài liệu của nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, xem xét các hiện vật, vào đình chùa quan sát ảnh tượng và đi thực tế cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, từ đó mới đúc kết và rút ra diện mạo của trang phục.
Đọc Ngàn năm áo mũ, người ta không chỉ xem, mường tượng được trang phục cung đình và trang phục dân gian của người Việt qua gần 1.000 năm mà những trang sách thấm đẫm tinh thần ngàn năm tự chủ về văn hóa.
“Bất kể quan niệm của người phương Bắc cho rằng trời chỉ có một thiên tử, thiên hạ chỉ có một hoàng đế, song không ít thủ lĩnh nước Việt mỗi khi giành được độc lập, giành quyền làm chủ cõi đất phương Nam đều xưng đế”.
Hay một đoạn ghi chép nói rằng sử Trung Quốc ghi nhận không ít việc lấn vượt, “không kiêng dè” của triều đình Đại Việt và nhiều khi coi đó là cái cớ để cất quân đánh chiếm.
Về trang phục, cuốn sách cũng chỉ ra chế độ trang phục cung đình VN cũng giống như Triều Tiên, nhiều lần mô phỏng Trung Quốc để có sự uy nghiêm, chuẩn mực nhưng theo quy luật sáng tạo văn hóa trên tinh thần tự chủ nên luôn tạo ra những nét biến dị độc đáo của riêng nước Việt.
Để giữ gìn bản sắc, những người trị vì nước ta cũng không ít lần ra lệnh cấm quân dân “mặc quần áo người phương Bắc và phỏng tiếng nói của người Chiêm, Lào” hay “không được bắt chước tiếng nói và trang phục của các nước Ngô, Chăm, Lào”.
Bản sắc không phải “một mình một kiểu”
Có mặt tại một buổi nói chuyện về Ngàn năm áo mũ mới thấy nhiều bạn trẻ mông lung về hai chữ gọi là bản sắc, họ phân vân liệu những cái ta có phải chăng chỉ là bắt chước.
Nói về điều này, Đức cho rằng ngày nay nhiều người suy nghĩ quá cực đoan về cái gọi là bản sắc. Xóa đi luận điệu dân tộc chủ nghĩa cực đoan khi nhìn vào lịch sử trang phục VN cũng chính là một phần mục đích của anh khi viết Ngàn năm áo mũ.
“Bản sắc không phải là cái sự một mình một kiểu. Trong những cái giống người, ta có những thứ khác dù chỉ nhỏ bé nhưng vẫn thể hiện đấy là ta”. Đối với anh, bản sắc là tổng hợp các yếu tố kể cả bản địa, ngoại lai trong một tập thể mà nhìn vào ta có thể nhận biết được. Ngay cả khi tách ra từng lớp, ta thấy nó có nguồn gốc ngoại lai thì khi tập hợp lại nó vẫn là nó, ta vẫn là ta. Tách hết tất cả mọi thứ rồi hỏi bản sắc ở đâu là rất khó.
Đức lấy ví dụ nhiều người bảo rằng trang phục cổ truyền VN chỉ có áo dài cổ đứng. Nhưng thực tế, mãi đến năm 1744 áo dài cổ đứng mới ra đời rồi đến thời vua Minh Mạng, thời Nguyễn mới phổ biến toàn quốc.
Còn trước đó, người Việt mặc những thứ khác thì không được coi là truyền thống sao? Theo nghiên cứu, trước khi áo dài cổ đứng ra đời, người Việt mặc áo giao lĩnh giống như hanbok của Hàn Quốc, kimono của Nhật Bản. Chúng đều là kiểu áo vạt chéo nhưng không trùng khớp hoàn toàn mà mỗi nước có một nét riêng.
Ngay cả đến cái áo dài cổ đứng mà người ta gọi là thuần Việt thì trong tranh chân dung Lỗ Tấn - một nhà văn Trung Quốc - ông này cũng mặc áo cổ đứng, không khác gì áo dài của ta. Nhưng ông này đứng cạnh một ông VN thời Nguyễn vấn khăn tròn trên đầu thì khác hẳn nhau. Khi nhìn nhận về sản phẩm văn hóa, đừng tách rời nó ra khỏi bối cảnh. Mặc cái áo giống Trung Quốc, mũ giống Trung Quốc nhưng vẫn là người VN bởi bối cảnh xung quanh.
Theo Đức, với quan điểm của một nhà nghiên cứu, phản ánh chân thực lịch sử thì cần phải tách chính trị, tách tư tưởng dân tộc ra khỏi nghiên cứu để mô tả chính xác lịch sử.
“Nhìn lại quá khứ, chúng ta không thể thù ghét quá khứ. Với những gì trong quá khứ thì thế hệ sau cần phải tôn trọng chứ không phải rũ sạch. Bởi nếu giờ ta không tôn trọng quá khứ của ta thì con cháu sau này cũng không tôn trọng ta” - Đức nhìn nhận.
Vũ Thủy, Tuổi Trẻ